Địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng: Vì sao vẫn chưa thể triển khai?
VHO - Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, dù rất nhiều tiềm năng, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Vì sao?
Quảng Nam còn nhiều việc phải làm, đồng thời cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon rừng
Cơ hội và tiềm năng
Quảng Nam là một trong các tỉnh, thành có tỉ lệ che phủ rừng gần 60%, xếp hạng cao nhất cả nước. Năm 2022, diện tích đất có rừng hơn 680.806 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 463.530 ha, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh Quảng Nam là 533.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm, có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng.
Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, từ năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Đề án và được Chính phủ thống nhất về chủ trương cho tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+).
Ước tính mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD (khoảng 130 tỉ đồng) từ việc bán tín chỉ carbon rừng, góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn. Ngoài ra, đề án bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021 - 2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025... Đặc biệt, sẽ giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2 , hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 , gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. |
Nhận diện những vướng mắc
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng vẫn chưa thể triển khai vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Là địa phương thí điểm đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon từ REDD+.
Một trong những khó khăn là quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.
Các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ carbon với giá cao nhất, trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì các đối tác cam kết rằng tỉnh Quảng Nam sẽ không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu và xem đó như một rủi ro trong kinh doanh. Để có cơ sở hoàn trả vốn đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 686/TCLN-KHTC ngày 4.5.2023, việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu hay nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ của tỉnh Quảng Nam thực hiện theo quy định của luật đấu thầu. Việc xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo luật đấu thầu (riêng dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ do Bộ NN&PTNT thực hiện theo chương trình FCPF REDD+ trên thị trường bắt buộc và Quảng Nam đang thí điểm trên thị trường tự nguyện). Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.
Quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay Nghị định vẫn chưa được ban hành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam, dù trên thế giới đã làm. Có nhiều nội dung cần phải làm liên quan đến đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng, việc triển khai dự án tại Quảng Nam còn những hạn chế nhất định, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Chẳng hạn như việc xây dựng đề án mẫu, phù hợp với chuẩn quốc tế để mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia xây dựng, giúp chào bán trên thị trường quốc tế còn lúng túng. Hành lang pháp lý để đảm bảo việc bán tín chỉ carbon chưa có.
Việc xác định các vùng ưu tiên tập trung lưu trữ carbon, quản lý rừng bền vững… tỉnh Quảng Nam còn phụ thuộc vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, các cơ quan cũng đang nghiên cứu để triển khai sao cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo phát triển rừng bền vững, gắn với đảm bảo kinh tế rừng, phát triển nguồn dược liệu dưới tán rừng…
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất nên chưa thể trình phê duyệt, phát hành và kinh doanh tín chỉ carbon rừng do tồn tại những khó khăn, vướng mắc đã nêu trên. Vì vậy, tỉnh sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư sau khi khắc phục được khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn chỉnh Hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất và trình VERA phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ carbon với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt Đề án của Chính phủ.
Lần đầu tiên Việt Nam bán thành công tín chỉ carbon rừng |
KHÁNH CHI